Về thăm nhà cuối tuần mới đây, tôi tình cờ tìm thấy bộ Quân Phục QLVNCH của bố tôi, ba ngôi sao bạc vẫn còn gắn cách kỹ lưỡng trên mỗi ve áo. Một thời xa xưa nơi dưới vùng trời nhiệt đới, bố tôi uy nghi khoác bộ áo này, một chiến sĩ trong một trận nội chiến mà ông đã anh dũng chiến đấu và thua. Một dạo, khi còn nhỏ, tôi đã ngước lên nhìn ngắm một nhân vật cỏ vẻ thần thánh hơn là người phàm. Tôi đã chẳng hình dung tôi như một trang thanh niên đi theo vết chân lính chiến của bố tôi là gì?
Cảnh trí một đêm trồi hiện từ những ký ức thời thơ ấu của tôi: cơn gió lạnh thổi lốc qua căn biệt thự vang động tiếng bom B-52 từ xa vọng lại, xen lẫn vào cơn mưa gió mùa. Tôi 10 tuổi, một đứa trẻ thuộc một gia đình quân đội sống với bố mẹ tại thành nội Huế, gần khu phi quân sự. Đâu đó trong căn nhà dưới dành cho nô bộc, hai con chó bẹt-giê Đức cất tiếng sủa inh ỏi trong khi vài chiếc xe jíp nhà binh thắng gấp gây tiếng xoẹt trên nền sân rải đá cuội.
"Bố về! Bố về"! Tôi la lên và đổ xô về phía bố tôi -- bố tôi cười hả hê đang khi ổng bồng tôi lên để ôm chặt lấy tôi. Bộ quân y tỏa ra mùi mồ hôi, nước hoa, bùn đất, xì gà, và thuốc súng -- những mùi vị tôi luôn liên kết với trận địa. Nhưng tôi không bận tâm với điều này -- tôi tận hưởng vòng tay nồng ấm của bố tôi, vui sướng trong căn nhà cạnh sông Hương trong khi lịch sử vẫn còn đứng về phía chúng tôi.
Tuy nhiên, một vài năm sau, chiến tranh chấm dứt -- cách thê thảm cho chúng tôi. Khi chúng tôi đặt chân tới đất Mỹ, lịch sử đã chống lại chúng tôi; Việt Nam tiếp tục tiến bước mà không có mặt chúng tôi; Hoa Kỳ tiếp tục tiến bước mà không thèm đếm xiả đến chúng tôi. Trên phần đất Mỹ, không có phần đất để cho bố con cùng sánh vai bảo vệ, cùng nhau chiến đấu. Thay vào đó, một hố sâu càng ngày càng ngăn cách bố con.
Tuy bố tôi đã khéo xoay xở làm lại cuộc đời và trở thành một viên chức giám đốc ngân hàng với mảnh bằng cao học hành chánh thương nghiệp MBA -- một chiến công hiển hách đối với một người đã ngoài 40 đến nước Mỹ và nói Anh ngữ như là ngôn ngữ thứ ba -- mối đam mê của bố tôi mang tính cách ngoại biên. Trong các bữa cơm, sau một hai ly rượu, bố tôi thường sống lại với các trận chiến ông đã tham dự và đã thắng. Đối với bố tôi, cuộc chiến Việt Nam là "một thế kỷ dài 25 năm" -- cuốn sách toát yếu cuộc đời mình.
Giọng nói oang oang của bố tôi làm rung chuyển mọi tấm khung kính cửa sổ trong căn nhà mới của chúng tôi và khiến tôi cảm nghiệm một cách tiệm tiến nhưng không thể tránh khỏi một tai họa sắp xảy đến. Cuộc chiến của bố tôi, di sản của tôi; cuộc thất trận của bố tôi, di tặng của tôi. Khi tôi 12 tuổi, tôi cũng đã trở thành một cựu chiến binh cay cú của một trận chiến -- nhưng một trận chiến mà tôi không hề tham dự.
Điều mà bố tôi ít khi nhắc tới là lần chót bố tôi mặc bộ quân phục -- ngày Nam Việt Nam đầu hàng. Bố tôi đã chiếm đoạt một tàu chiến đầy sĩ quan để đi tới Phi Luật Tân. Gần tới bờ, bố tôi thay lấy một quần jean và một áo thun, quẳng khẩu súng lục xuống Thái Bình Dương, và xin Mỹ cho tị nạn chính trị. Tôi không chứng kiến cảnh đó, nhưng hình ảnh đó, hơn mọi hình ảnh nào khác, đã đánh dấu sự cáo chung của giai đoạn huyền thoại thơ ấu của tôi.
Khi tôi 18 tuổi, bố tôi -- rất ngưỡng mộ Nã Phá Luân -- đưa gia đình chúng tôi qua Âu Châu nghỉ hè. Ba Lê, nơi bố tôi từng là sinh viên du học, là địa điểm du ngoạn chính nhưng bố tôi nhất định phải đi viếng trận địa Waterloo ở Bỉ cho bằng được. Xe chúng tôi chạy hằng bao nhiêu giờ quanh các nẻo đường đồng quê nước Bỉ, cho đến khi cuối cùng chúng tôi tìm đến được địa danh. Leo lên đỉnh đồi trông xuống cánh đồng, bố tôi bắt đầu kể các đơn vị của Nã Phá Luân dàn ra ở vị trí nào, và Huân Tước Wellington đã tới kịp thời để xoay trở chiều hướng cục diện ra sao. Tôi đã nằm lòng câu chuyện này và không còn háo hức để tâm nghe nữa. Bất chợt tôi ý thức ra rằng đam mê không phải là một di truyền -- rằng cánh đồng cỏ tôi đang ngắm nhìn không khơi động trong tôi văn tả lính chiến mà là thơ phú.
Đâu đó trong khoảng thời gian giữa thằng bé thuở nào còn cất cao giọng rơm rớm nước mắt hát lên bài Quốc ca trong sân trường và trang thanh niên chuẩn bị bước lên đại học tự tin vào quyền lực tự quyết lấy vận mạng của chính mình là sự suy thoái tiệm tiến nhưng tự nhiên của động lực ái quốc cổ xưa.
Thật vậy, Chiến Tranh Lạnh và hậu quả của nó đã tạo sinh ra một hạng con trẻ tựa như tôi--vượt lên trên bình diện quốc gia. Hiện tượng vĩ đại nhất của thế kỷ này, tôi xác tín ngày hôm nay như vậy, do các Thế Chiến thì ít mà do các người đã bị tước đoạt tài sản mà các Thế Chiến đuổi chạy thì nhiều. Sự xô đẩy ngày hôm nay --di chuyển--trở nên câu chuyện thời đại.
Ngày hôm nay tại Mỹ bố tôi xem đài CNN và tập luyện võ thuật. Bố tôi không trông chờ lịch sử biệt đãi mình, và do đó, bố tôi không phải là một con người bất mãn. Bố tôi khoái chí chiêm ngưỡng sự sụp đổ của cộng sản trên toàn cầu và nhấm nháp rượu. Tuổi đã lục tuần, bố tôi là một con beo xám đầu tóc muối tiêu mới vừa viết xong cuốn bút ký cuộc đời lính chiến ngõ hầu, theo lời bố tôi, "thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt biết được những gì đã xảy ra". Có thể một ngày nào đó, cộng sản cũng thất bại ở đó và nền dân chủ trị vì, bố tôi sẽ trở lại Việt Nam, dù chỉ để nhảy nhót một lần cuối trên các nấm mộ của quân thù.
Trong khi đó tôi thì...
Mỗi buổi sáng tôi viết, biến ký ức thành chữ. Nhưng sáng nay, khi thức giấc sau một cơn mộng thường xuyên xảy đến cho tôi trong đó tôi lặn xuống đại dương để vớt lên một khẩu súng hoen rỉ, tôi mới khởi sự cảm thức được lịch sử lắt léo làm sao, và túm lấy linh hồn người ta cách mãnh liệt làm sao. Cũng vẫn trong giấc mộng, tôi đưa tay với tới khẩu súng nhưng nó tan biến mất hút vào trong lòng cát. Mỗi sáng tôi viết lách, càng trở lui sau vào dĩ vãng, mà dĩ vãng lại không thể lôi ra lại được. Tôi viết lách, nhưng rồi phải bỏ dang dở.
Khi cuối tuần mãn, tôi từ giã hôn bố tôi. Tôi soi một lỗ qua bao ny lông bao phủ bộ quân phục, cúi xuống sát gần và hít ngửi. Không còn mùi của thuốc súng, của đất cháy sém, của thuốc xì gà -- mà chỉ còn mùi thoang thoảng của lông não, của bụi đất cũ xưa.
Andrew Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét