Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Kỷ Niệm Sau Cùng Nhưng Mãi Mãi Với Tướng VỸ


Vào năm 1973, tôi thường có dịp gặp Tướng Lê Nguyên Vỹ, lúc bấy giờ ông còn là Đại tá Tư Lệnh Phó Sư đoàn 21BB cho Tướng Lê Văn Hưng. Tôi được trò chuyện hàn huyên với ông nhiều nhất vào thời gian ông bị thương nằm tại Tổng Y Viện Cộng Hòa vì máy bay quan sát chở ông bị rớt trong khi ông đi quan sát mặt trận tại vùng 4 chiến thuật. Một điều mà ông thường nhắc đi nhắc lại trong các lần tôi nói chuyện với ông là “Hải ơi, coi chừng mình sẽ bị mất nước đó”. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết lắng nghe mà không bày tỏ một ý kiến nào. Có thể tôi chưa có khái niệm gì về sự mất nước cũng như hậu quả của nó chăng? Cũng có thể tôi là một cấp chỉ huy chiến thuật rất tự tin vào mình và đơn vị, nên tôi không bao giờ lại tin là Quân Lực VNCH sẽ thua quân VC để đến nỗi phải mất nước. Nhưng dần dà tôi cũng đã thấy được cuộc chiến VN không được quyết định bằng các trận đánh thắng của Quân lực VNCH ngoài mặt trận và tôi cũng đã linh cảm miền Nam khó giữ được đất đai vẹn toàn. Vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến VN, tuy biết miền Nam sẽ thua nhưng tuyệt nhiên tôi không có một ý định nào bỏ trốn khỏi đơn vị để kiếm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Những lời khuyên bảo của anh chị ruột tôi, các em gái tôi, phải bỏ đơn vị về Sài Gòn để trốn khỏi VN, đều bị tôi để ngoài tai. Tướng Vỹ ít nhất hai hoặc ba lần nói với tôi hãy tìm cách lo cho vợ con đi an toàn, còn tôi hãy ở lại chiến đấu với đơn vị.



Khoảng hơn một tuần lễ trước khi mất nước, Tướng Vỹ cho trực thăng đón tôi qua Lai Khê để gặp ông bàn việc. Trong khi trò chuyện ông thường nhắc đi nhắc lại là đến giờ này Tông Thống Thiệu vẫn còn cố chấp, không chịu nghe lời ai cả. Gặp Tướng Vỹ xong, ra đến bãi đậu trực thăng, hai sĩ quan lái trực thăng cho Tướng Vỹ nói với tôi rằng tôi hãy cố thuyết phục Tướng Vỹ để cho họ chở Tướng Vỹ và tôi ra Đệ Thất Hạm Đội. Hai vị Sĩ quan không quân còn nhấn mạnh rằng mọi người đang lo chạy trốn cả rồi Tướng Vỹ và tôi còn đánh làm gì nữa. Tôi chỉ gật-gù cảm ơn lòng tốt của họ và không nói thêm gì cả. Hai vị Sĩ quan này chắc nghĩ tôi thân với Tướng Vỹ, nên tôi có thể thuyết phục được ông, nhưng tôi lại nghĩ rằng tôi đã không muốn bỏ chạy thì tôi dại gì lại đi thuyết phục người khác hãy bỏ chạy để bỏ tôi ở lại một mình. Hơn nữa tôi cũng biết Tướng Vỹ đã quyết định đánh đến cùng rồi. Về đến quận, vừa ngả lưng nghỉ mệt, người lính gác cổng chạy vào báo cô Quý, em gái ruột tôi từ Sài Gòn lên muốn vào gặp tôi. Tôi căn dặn người lính gác ra nói dối với em tôi rằng tôi đi họp chưa về. Tôi đoán biết Mẹ tôi cho cô em tôi lên thúc tôi bỏ quận để về Sài Gòn lo việc chạy trốn khỏi Việt Nam.



Tuy tôi đã quyết định ở lại chiến đấu cùng đơn vị, nhưng tôi nghĩ rằng tôi cũng cần phải lo cho vợ con tôi, nên ngày 27 tháng 4 năm 1975 tôi quyết định về Sài Gòn thăm gia đình như lời khuyên của Tướng Vỹ trước đây.Thực sự buổi về Sài Gòn này tôi đã chỉ dám ghé nhà bố mẹ vợ tôi tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để khuyên vợ tôi hãy mang hai con tôi bám theo mẹ, anh và các em gái tôi mà chạy khỏi VN. Tôi trở về Phú Giáo ngay trưa hôm 27 tháng 4, không dám ghé đường Lê Văn Duyệt gặp mẹ, bởi tôi biết mẹ tôi sẽ bất cứ giá nào giữ tôi ở lại Sài Gòn để cùng gia đình chạy trốn. Tôi đã tự lựa chọn con đường cho tôi đi, mặc dù tôi biết con đường này không có lối thoát! Nhưng tôi không thể bỏ trốn mọi người quân cũng như dân Phú Giáo, mọi người đang trông chờ sự dẫn dắt khéo léo của tôi để may ra được thoát chết trong giờ phút tuyệt vọng của cuộc chiến.



Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tôi hoàn toàn mất liên lạc với tỉnh Bình Dương! Tôi nói với Thiếu tá Hùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306 Địa Phương Quân hãy cố gắng đánh mở đường đưa tôi về tỉnh, vì tôi đã mất liên lạc với Đại tá Của, Tỉnh trưởng Bình Dương. Khoảng nửa giờ sau đó, Thiếu tá Hùng cho tôi biết phía trước đường tiến quân có một cái chốt cấp Đại đội của VC chặn đường. Tôi nhất quyết ra lệnh cho Thiếu tá Hùng phải vượt qua chốt VC. Thiếu tá Hùng đã phải vượt lên tuyến đầu để chỉ huy đánh chốt VC. Chừng nửa giờ quyết chiến, Thiếu tá Hùng báo cáo Tiểu đoàn tràn ngập chốt của VC. Tôi liền ra lệnh toàn thể các đơn vị kéo quân về hướng Hòa Lợi 2 và tiến về Bình Dương. Khốn nỗi thay! Đồng thời lúc đó một anh lính đưa cho tôi nghe lệnh đầu hàng qua một radio nhỏ cầm tay của Tổng Thống Dương Văn Minh và Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Hạnh, tự xưng là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Tôi bàng hoàng, nước mắt ràn-rụa, nói với mấy người lính đứng bên cạnh:”thôi chúng mình mất nước rồi”! Tôi còn nhớ hôm bố tôi chết vào dịp Tết Mậu Thân 1968, khi VC đánh vào tỉnh Phan Thiết, tôi cũng không khóc nhiều như thế. Nước mắt ở đâu cứ ràn -rụa đổ ra! Nhưng chỉ ít phút sau tôi lấy lại được bình tĩnh và đang đự định lấy tần số liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 5, thì Trung tá Vượng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 kéo bộ chỉ huy đến và bảo tôi cùng kéo quân về Lai Khê gặp Tướng Vỹ để nhận lệnh.



Đến hàng rào căn cứ Lai Khê, Trung tá Vượng và tôi phải cố gắng thuyết phục những người lính gác ở đây mới lọt được vào cổng của căn cứ, vì đã có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của Tướng Tư Lệnh Sư đoàn 5.

Vừa bước vào phòng họp, tôi thấy hầu hết các sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 5 đang đứng, ngồi quanh Tướng Vỹ, nào Đại tá Tường Phụ tá Hành Quân, Pháo binh, các sĩ quan tham mưu, tôi không thấy Đại tá Thoàn Tư Lệnh Phó và Đại tá Từ Vấn Tham mưu Trưởng Sư đoàn. Tướng Vỹ ngồi ngay giữa một chiếc bàn nhỏ, trên bàn là bát canh măng khô nấu với vịt, bên cạnh là chén nước mắm ớt. Sau khi tôi và Trung tá Vượng chào ông theo đúng quân cách, Tướng Vỹ nói:

- Vượng, Hải vào ăn cơm luôn thể - Giọng nói của ông vẫn khàn khàn, bình thản như mọi khi.

Tuy không nói ra nhưng tôi thấy ngán-ngẫm và nghĩ trong đầu:”Trời ơi! Giờ này còn ăn uống gì nữa”

Sau khi mời chúng tôi xong, Tướng Vỹ tự cầm chén lên xới cơm, chan canh măng vịt và ăn rất nhanh như người bị đói đã lâu. Vừa ăn ông vừa nói:”món măng khô nấu vịt là món moa thích nhất”. Ăn đúng ba chén cơm đầy ông mới buông đũa. Tôi cũng cầm chén ăn cơm, nhưng không sao nhai nổi lưng chén cơm. Tướng Vỹ, sau khi uống ngụm nước cho trôi cơm, ông đứng phắt dậy và vẫy tôi ra một chỗ để nói riêng. Nhưng tôi hỏi ông trước: -Thiếu tướng có lệnh gì cho tôi không?

Ông đáp rất gọn:”Moa lo cho moa, toa lo cho toa”

Tôi chưng hửng đáp:”Tôi biết lo làm sao bây giờ, Thiếu tướng. Lính của tôi đã bố trí sát hàng rào Lai Khê rồi”



- Khoảng hơn một tháng trước 30 tháng 4 năm 1975, Tướng Vỹ có dặn tôi hãy chuẩn bị một số người lính trung thành để đưa ông và tôi đi. Tôi đoán biết sẽ đi Vùng 4 Chiến Thuật để tiếp tục chiến đấu, vì ở đó có Tướng Hưng, Tướng Nam là những người Tướng Vỹ có thể tin tưởng được (Tướng Vỹ đã đã nhận định không sai chút nào, vì hai Tướng Hưng, Nam cũng đều là những Tướng Anh Hùng, vị quốc vong thân!).

Tướng Vỹ mỉm cười nhìn chằm-chặp vào tôi, nhắc lại y như trên một lần nữa và thêm:”Coi chừng tiêu đó Hải”. Nói xong ông quay lưng bỏ đi ngay.



Câu trả lời của Tướng Vỹ đã làm tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi có cảm giác bị bỏ rơi và nghĩ rằng:”hay Tướng Vỹ đã có trực thăng sẵn sàng bốc ông rồi!”. (Tôi lại nghi oan cho ông lần nữa)

Không đầy một phút sau, tôi giật mình vì nghe có tiếng súng nổ. Tôi thấy Đại uý Nguyên tùy viên của Tướng Vỹ chạy ra nói lớn như khóc:”Tướng Vỹ đã tự sát rồi!”



Tôi trách Đại úy Nguyên:”Sao anh không tìm cách dấu súng của ông Tướng trước đi”

Đại úy Nguyên trả lời:”Tôi biết ông có 6 khẩu súng cả thảy, tôi đã dấu hết, khẩu ông dùng để tự sát, tôi không biết ông lấy ở đâu” .



Viên đạn súng colt đã xuyên từ cổ lên đầu Tướng Vỹ làm ông ra đi ngay. Tôi và Trung tá Vượng đã vào chào ông lần cuối. Cả hai chúng tôi sau đó đã bị VC bắt giữ và đi tù ngay cùng chiều hôm 30 tháng 4 năm 1975. Sau này tôi có nghe nhiều người nói rằng khi tên chỉ huy VC vào căn cứ Lai Khê thấy Tướng Vỹ tự sát đã tỏ lòng khâm phục và nói:”Làm Tướng chết theo thành như Tướng Vỹ mới xứng đáng làm Tướng”.



Tướng Vỹ đã tự sát đền nợ nước đúng ngày 19 tháng 3 năm Ất Mão (Âm Lịch), tức ngày 30 tháng 4 năm 1975 (Dương Lịch). Khi còn ở Việt Nam, dù còn ở trong nhà tù VC tôi đều tìm cách giỗ ông vào ngày 19 tháng 3 âm lịch mỗi năm. Nhưng khi qua đất Mỹ này rồi tôi sợ quên, nên tôi đổi ngày giỗ ông vào ngày 30 tháng 4 Dương Lịch mỗi năm. Sau đây là một bài thơ tôi đã làm để kỷ niệm những ngày tôi làm giỗ Tướng Lê Nguyên Vỹ:

· MĂNG KHÔ NẤU VỊT.
Măng khô nấu vịt Bác không rời,

Lời Bác, lòng tôi luôn nhắc tôi.

Ngày cuối tháng tư, tôi giỗ Bác,

Lịch đầu năm mão, Bác chầu Trời. Tôi vui như lúc tôi còn Bác,

Bác chết là khi Bác sống đời.
Đốt nén hương thơm tôi khấn Bác,
Măng khô nấu vịt, Bác về xơi.



Cuộc đời của tôi và biết bao các chiến hữu khác kể từ 30 tháng 4 đen, 1975 trở đi đã bước vào một khúc quanh mới của lịch sử Việt Nam, trong đó chúng tôi phải gánh chịu mọi gian nan, đọa đày, chết chóc trong bệnh tật, đói khát và hắt hủi của những tên lính bị tức tưởi thất trận mà có kể ra cho ai nghe đã mấy người tin rằng thật. Bởi có nhiều người đã mơ tưởng rằng sau khi im tiếng súng vào 30 tháng 4 năm 1975, hai miền Nam Bắc sẽ nhận ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã kéo dài trong bao nhiêu năm chính là do các thế lực bên ngoài cố ý tạo ra cho dân Việt, để rồi anh em ôm nhau mà khóc trên cầu Bến Hải vĩ tuyến 17, cùng tha thứ cho nhau những nhầm lẫn đáng tiếc trong quá khứ và cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương Việt Nam đã đổ và rách nát vì bom đạn, vì những thứ chủ nghĩa ngoại lai, những mớ lý thuyết và giáo điều lỗi thời, không tưởng.



Trái hẳn với các mơ ước viển vông trên của các sư, cha, những chính khách xôi thịt, thiển cận, vì rằng sau màn chém giết là đến những màn trả thù độc ác và có hệ thống khác, cũng đầy dẫy những xác người, ràn-rụa nước mắt gây ra do đói khát, cướp bóc, tố khổ và phân ly. Hai cây cùng trồng nhưng mọc không đều, một cây mọc thật nhanh cao hơn hẳn cây bên cạnh mọc quá chậm; bây giờ muốn cho hai cây cao ngang bằng nhau, thay vì phải dùng phân bón, vun xới cho cây mọc châm được mọc nhanh hơn, VC đã dùng một phương pháp thật là “cách mạng” để giải quyết vấn đề, đó là dùng dao chặt đứt phần ngọn của cây mọc nhanh cho ngang bằng với cây mọc chậm. Kế hoạch bất chợt đổi tiền xảy ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 của VC, trong đó mỗi người dân chỉ đưọc phép đổi lấy một số tiền mới nhất định từ những đồng tiền cũ, chính là phương pháp san bằng tài sản rất độc đáo giữa người giàu và người nghèo của VC, y hệt phương pháp chặt cây vừa trình bày ở trên. Mọi người trong xã hội như thế chắc chắn sẽ được nghèo như nhau!



Sau 33 năm, ngày Tướng Vỹ chết theo thành niềm đau mất nước vẫn còn trong tâm khảm những người Việt Quốc Gia thật sự yêu quê hương xứ sở, dân Việt vẫn còn phải sống trong đói rách lầm than, chưa bao giờ được thở hít không khí tự do, bởi ách Thực dân, Đế quốc tuy đã được gỡ bỏ, nhưng ách Cộng sản lại đã được tròng vào cổ dân Việt, nặng nề gấp ngàn lần.



Lòng chúng ta vẫn còn đau, vì chúng ta đã thua đau, cái thua không đáng thua chút nào. Một miền Nam của trí tuệ, trù phú lại chịu thua bọn người rừng rú, khố rách áo ôm, ngu si, dối trá. Có người bảo rằng miền Nam thua vì người Mỹ đã bỏ chúng ta. Không đúng hẳn như vậy! Mà phải nói rằng người Mỹ bỏ chúng ta vì chúng ta quá yếu, không bỏ không được.



Quân đội là nguồn sức mạnh chính của đất nước sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lăng, do vậy quân đội phải được giao phó cho những người có thực tài, can đảm, đạo đức và hết lòng với đất nước. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nếu các Tư Lệnh Sư đoàn của Quân Lực VNCH đều là Tướng Lê Nguyên Vỹ thì chúng ta không mất nước. Tôi không nịnh nọt Tướng Vỹ và nói ngoa đâu. Chúng ta cứ đọc lại trang sử Việt đời nhà Trần xem tôi nói có đúng hay không?! Nhà Trần đã chiến thắng oanh liệt đoàn quân Nguyên bách chiến bách thắng xưa kia, vì đã quy tụ được những tinh hoa của đất nước: nào Trần Thủ Độ, “đầu tôi chưa rơi xuống đất xin Bệ Hạ đừng lo”, nào Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn, thao lược mưu trí, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần quốc Toản, Trần Nhật Duật…hết lòng vì đại sự. Một khi quân đội đã hùng mạnh do các tướng có tài đức chỉ huy như thế, thì hội nghị Diên Hồng của toàn dân hưởng ứng, hỗ trợ cho quân đội chiến thắng quân xâm lăng ắt sẽ được mở rộng và đồng tâm, nhất trí. Nhà Trần đã chiến thắng vẻ vang quân Mông Cổ không hề dựa vào một sức mạnh quân sự nào của ngoại bang, chỉ dựa vào sức mình là quân đội do các tướng có tài đức chỉ huy và sự ủng hộ của toàn dân. Miền Nam chúng ta đã không quy tụ được các tướng có tài đức cho quân đội, do đó chúng ta cũng không tạo được khí thế Diên Hồng trong toàn dân, vì dân đã không tin vào quân đội. Những điều tôi vừa trình bày ở trên có thể không làm hài lòng các vị niên trưởng bậc thày của tôi trong quân đội, nhưng tôi vẫn mạnh dạn nói lên quan điểm của tôi, cũng rất có thể là của nhiều người khác nữa, đã được chứng minh từ những kinh nghiệm đấu tranh của lịch sử Việt Nam trong công cuộc bảo vệ giang sơn Tổ quốc.



Tôi viết đến cuối bài “Tướng Vỹ Chết Theo Thành” vào đúng cuối tháng 3, chuẩn bị bước vào tháng 4 đen mỗi năm mà mọi người Việt ở hải ngoại không ai không nhớ đến. Riêng tôi cũng đã sẵn sàng hương đèn để tưởng nhớ đến Tướng Vỹ. Tôi không những làm giỗ ông vào ngày 30 tháng 4, hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán tôi luôn mời ông về chung vui Tết với Tổ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ tôi. Thực lòng tôi đã xem ông như người thân trong gia đình tôi vậy. Ông là biểu tượng của Anh Hùng Bất Khuất mà tôi luôn ngưỡng mộ và tin tưởng. Tôi thành tâm xin thưa với ông rằng sau tháng tư đen, 1975 mặc dù tôi đã đánh mất tất cả, nhưng tôi đã không đánh mất tôi, tôi vẫn còn giữ lại được một chút gì gọi là liêm sỉ để trong lời nói cũng như việc làm, tôi không khi nào nói hoặc làm có lợi cho Cộng sản, kẻ thù không đội trời chung của ông, của tôi và của toàn dân Việt yêu chuộng Tự do.

1 nhận xét:

  1. Đọc được bài này trong tâm tôi tự dâng lên cầu nguyện cho vong linh Tướng Lê Nguyên Vỹ được về nơi tĩnh tịch.

    Trả lờiXóa